Chính thức trình Chính phủ ban hành quy định trừ điểm giấy phép lái xe, có nồng độ cồn dễ bị trừ sạch điểm
Bộ Công an đề xuất từ 1-1-2025, lái xe vi phạm luật giao thông ngoài bị xử phạt tiền còn bị trừ điểm giấy phép lái xe. Trong đó, hành vi lái xe sử dụng rượu, bia sẽ có chế tài đủ mạnh.
Bộ Công an vừa chính thức trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất từ ngày 1-1-2025 áp dụng hình thức trừ hết điểm đối với lái xe vi phạm giao thông.
Lái xe có nồng độ cồn dễ bị trừ sạch điểm bằng lái
Pháp luật hiện hành đang quy định lái xe vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền và tước giấy phép lái xe, tuỳ vào mức độ vi phạm. Tuy nhiên, việc tước bằng lái như hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, sản xuất và đời sống người dân.
Vì vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra đời đã quy định về trừ điểm bằng lái thay vì tước giấy phép lái xe như hiện nay. Theo đó, người điều khiển phương tiện có thể vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm bằng lái.
Mỗi bằng lái có 12 điểm, tài xế vi phạm các quy định khi tham gia giao thông sẽ bị trừ từ 2 đến 12 điểm, tuỳ vào tính chất mức độ và hành vi.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất trừ điểm “thẳng tay” với lái xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, dự thảo đưa ba mức xử phạt nồng độ cồn, nhưng cả ba mức đều đối diện với nguy cơ trừ hết điểm bằng lái.
Cụ thể, mức một: Lái xe điều khiển xe máy hoặc ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở nếu tái phạm nhiều lần ngoài bị phạt tiền còn bị trừ 12 điểm bằng lái.
Lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức hai và ba (điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) cũng bị trừ hết điểm bằng lái.
Như vậy, lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức hai trở lên ngoài bị xử phạt tiền như quy định hiện hành sẽ bị trừ hết 12 điểm bằng lái. Đây được xem là chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các hành vi bị trừ hết 12 điểm bằng lái gồm: Điều khiển xe ô tô gắn biển số bị bẻ cong, che lấp, làm thay đổi chữ, số, màu sắc, hình dạng, kích thước của biển số xe; điều khiển xe gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Lái xe không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.
Đua xe ô tô, mô tô trái phép trên đường giao thông.
Điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
Điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Tài xế điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc.
Thêm vào đó, lái xe sẽ bị trừ hết 12 điểm khi lái xe thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông…
Ngoài bị trừ điểm, các tài xế vi phạm các hành vi trên còn bị xử phạt tiền từ 8-70 triệu đồng.
Bị trừ hết điểm bằng lái phải đi học
Bằng lái bị trừ điểm sẽ thông báo đến chủ phương tiện qua ứng dụng VneID hoặc bằng văn bản giấy được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Tất cả được triển khai tự động trên hệ thống do công an quản lý.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định do lực lượng CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Việc thông báo phục hồi điểm giấy phép lái xe thực hiện bằng phương thức điện tử trên phần mềm ứng dụng do Bộ Công an quản lý, vận hành hoặc bằng văn bản giấy theo mẫu quy định của Bộ Công an và được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm.
“Trường hợp giấy phép lái xe được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu thì cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện cập nhật trạng thái phục hồi điểm giấy phép lái xe trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia…”- Bộ Công an cho hay.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất tịch thu phương tiện đối với các trường hợp như: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe.
Tài xế điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, trừ xe kinh doanh vận tải quá niên hạn sử dụng của hình thức kinh doanh đã đăng ký. Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông…
BÀI VIẾT : Chính thức trình Chính phủ ban hành quy định trừ điểm giấy phép lái xe, có nồng độ cồn dễ bị trừ sạch điểm . Tác Giả : Viết Long báo Pháp Luật